Nhóm nhà nghiên cứu Anh chế tạo thiết bị thử nghiệm từ khăn giấy và cốc nhựa tái chế, hoạt động nhờ điện do chính người dùng tạo ra.

Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Tiên tiến (ATI) thuộc Đại học Surrey (Anh) phát triển nguyên mẫu thiết bị đeo cổ tay làm từ rác thải tái chế, hoạt động bằng năng lượng thu được khi người đeo cử động.

Cụ thể, nguyên mẫu này chế tạo từ khăn giấy và cốc nhựa bỏ đi và có khả năng truyền mã Morse. Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch ứng dụng công nghệ mới vào đồng hồ thông minh. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí ACS Applied Materials & Interfaces hôm 3/3.

“Cuộc cách mạng Internet vạn vật (IoT) hiện nay cho thấy một thực tế là hành tinh của chúng ta không có đủ tài nguyên thô để tiếp tục chế tạo những thiết bị đang được nhiều người ưa chuộng. Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh rằng có một biện pháp để tạo ra công nghệ bền vững chạy bằng điện do chính chúng ta, những người sử dụng công nghệ đó, phát ra”, tiến sĩ Bhaskar Dudem, chuyên gia tại Đại học Surrey, cho biết.

Nhóm nghiên cứu cho biết, nguyên mẫu thiết bị có thể tự cung cấp năng lượng cho mình nhờ các vật liệu tích điện khi chúng tiếp xúc với nhau. Các vật liệu này được gọi là máy phát điện ma sát nano và sử dụng điện tích tĩnh để thu năng lượng thông qua chuyển động.

Công nghệ thu năng lượng mới có thể ứng dụng cho các thiết bị khác trong lĩnh vực tiêu dùng, y tế và an ninh, theo Ravi Silva, giám đốc ATI. “Sứ mệnh cốt lõi của ATI là giúp xây dựng một thế giới mà mọi người đều có thể sử dụng năng lượng sạch. Công nghệ thu năng lượng của chúng tôi thể hiện sứ mệnh quan trọng này và chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các ngành công nghiệp để đảm bảo công nghệ này phát huy hết tiềm năng”, Silva nói.