Stockholm trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới đưa vào sử dụng phà chở khách thương mại tự lái chạy hoàn toàn bằng điện.

Mẫu phà dạng thuyền hai thân với sức chứa 25 người sẽ hoạt động giữa các đảo Kungsholmen và Søder Mellarstrand ở Stockholm trong 15 giờ liên tục mỗi ngày từ tháng 6/2023, theo Zeam. Chiếc phà nằm trong dự án nhằm tạo ra nhiều phương tiện giao thông bền vững trong đô thị hơn và thu hút sự quan tâm từ cộng đồng. Dự án bắt đầu ở Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU) ở Trondheim, dẫn tới sự ra đời của công ty công nghệ Zeabuz. Zeabuz cung cấp hệ thống tự động cho phà chở khách.

“Nhiều thành phố lớn trên khắp thế giới phải giải quyết vấn đề tắc nghẽn, thiếu sức chứa, ô nhiễm môi trường và không khí. Công nghệ tự lái là một phần giải pháp tốt cho cả khí hậu và con người”, Reidun Svarva, Giám đốc phát triển kinh doanh ở công ty vận chuyển Torghatten AS, cho biết. “Nhờ hoạt động tự động, chúng tôi có thể giảm chi phí vận hành đủ thấp để đem lại lợi nhuận thương mại. Đây sẽ là một cuộc cách mạng giao thông xanh trên biển và Stockholm là nơi đầu tiên trên thế giới thử nghiệm”.

Chuyến đi bằng phà sẽ được theo dõi từ phòng điều khiển trên đất liền. Chiếc phà có sàn chở khách có mái che với điểm lên và xuống ở cả hai đầu, dài 12m. Phương tiện được chế tạo bởi công ty đóng tàu Brødrene Aa có lịch sử từ năm 1947. Brødrene Aa đã tạo ra phương pháp sản xuất mới và sản xuất phà bằng sợi carbon hiệu quả về mặt năng lượng.

Hiện nay, khoảng 90% khu vực đô thị nằm cạnh các tuyến đường thủy nhưng chưa được khai thác đầy đủ do lượng khí thải và chi phí vận hành cao. Dự án phà điện tự động sẽ giúp tăng cường giao thông đường thủy, giảm tắc nghẽn và ô nhiễm.