Mambo, viết tắt từ “Motor Additive Manufacturing BOat”, được lắp ghép từ nhiều mảnh khác nhau sử dụng công nghệ in 3D gọi là “Continuous Fiber Manufacturing (CFM)” đã được đăng ký bản quyền.

Để hoàn tất phương tiện di chuyển độc đáo này, Moi Composites đã sử dụng 2 cánh tay rô bốt công nghiệp với độ chính xác cao Quantec của Kuka (Đức) tại Milan và tại cơ sở của đối tác dự án Autodesk ở Vương Quốc Anh.

Nhà sản xuất có trụ sở tại Milan cho biết việc áp dụng hệ thống in 3D mới cho phép tạo ra những sản phẩm có đặc tính cơ học tương tự sợi thủy tinh gia cường nhưng không cần khuôn hoặc dụng cụ hỗ trợ khác.

Việc tạo ra một mẫu tàu thủy với thiết kế mới như Mambo dường như là một điều không thể với phương pháp sản xuất hiện tại và CFM, được phát triển để phá vỡ rào cản này.

Việc sản xuất thuyền máy sử dụng vật liệu composite không chỉ đắt tiền bởi phải cần đến khuôn mà còn làm lãng phí thời gian và vật liệu sản xuất cũng như bị giới hạn ở các kiểu dáng tiêu chuẩn.

Với công nghệ in 3D mới, các sản phẩm nguyên mẫu (prototype) hoặc các mặt hàng sản xuất quy mô nhỏ có thể áp dụng công nghệ này vào sản xuất, vừa cho chi phí rẻ lại vừa tiện lợi và dễ dàng hơn cách làm truyền thống.

Mambo có chiều dài 6,5 mét, rộng 2,5 mét, trọng lượng 800 kg, có đầy đủ chức năng của một mẫu tàu thủy với cỗ máy 115 mã lực cùng hệ thống định vị, ghế bọc da màu trắng và sàn được làm bằng gỗ.

Những đường nét uống cong hoàn hảo tạo nên vẻ thanh mảnh của con tàu không chỉ mang lại vẻ hiện đại mà còn tinh tế, thể hiện cá tính của chủ nhân, có thể thực hiện dễ dàng qua máy in 3D sử dụng công nghệ mới.

Moi Composites cũng hợp tác với rất nhiều cái tên lớn trong phần mềm, tự động hóa và vật liệu tiên tiến trong ngành để mang mẫu tàu thủy trong mơ bước ra hiện thực.

Bên cạnh Autodesk là Catmarine, nhà đóng tàu của Ý; Mercury Marine với động cơ Mercury Pro XS mới nhất; Micad thiết kế quy trình ghép nối các thành phần in 3D, cấu trúc con tàu; Confindustria Nautica, Osculati và Owens Corning.

Sự xuất hiện của Mambo cho thấy giới hạn của công nghệ truyền thống có thể được thay thế bởi công nghệ in 3D mới CFM, giúp tạo ra sản phẩm mọi lúc mọi nơi, mọi hình dạng và đáp ứng mọi nhu cầu.