Viện Công nghệ Massachusetts phát triển miếng dán lấy cảm hứng từ nghệ thuật gấp giấy origami của Nhật Bản, giúp băng vết thương bên trong do phẫu thuật xâm lấn tối thiểu.

Các kỹ sư từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát triển thành công một loại miếng dán y tế có thể gập lại xung quanh dụng cụ phẫu thuật xâm lấn tối thiểu và đưa qua đường thở, ruột hoặc các cơ quan hẹp khác để vá các vết thương bên trong.

 

 

Miếng dán do MIT phát triển bao gồm 3 lớp: màng đàn hồi có tác dụng chống nước, chất kết dính sinh học chính, và lớp dưới cùng được làm từ chất liệu phủ dầu silicon có tác dụng bôi trơn, giúp miếng dán không bị dính vào các bề mặt khác khi đi qua cơ thể.

 

 

Ngay khi tiếp xúc với các mô và cơ quan ướt, nó sẽ biến đổi thành một loại gel co giãn và dính vào vị trí bị tổn thương. Trong một loạt thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng chất kết dính sinh học mới này có thể bám chặt vào các mô ngay cả khi bị bao phủ bởi chất lỏng như máu trong một thời gian dài. Miếng dán cũng được thiết kế để chống nhiễm bẩn khi tiếp xúc với dịch cơ thể và vi khuẩn. Theo thời gian, nó có thể tự phân hủy và không gây độc hại.

 

 

Phát minh này được cho là sẽ hỗ trợ trong các ca phẫu thuật được thực hiện bằng thủ thuật xâm lấn tối thiểu, khi dụng cụ phẫu thuật và camera thu nhỏ được luồn qua một vết rạch nhỏ để loại bỏ khối u hoặc điều trị các mô và cơ quan bị tổn thương. Quá trình này gây ít đau đớn hơn và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn nhưng lại đặt ra thách thức ở bước khâu kín vết thương và vết rách bên trong.